Tin tức - sự kiện

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

 

KỶ NIỆM 180 NĂM TÂY NINH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1836 - 2016)

1. Lịch sử hình thành vùng đất.

          Tây Ninh là tỉnh miền Đông nam bộ, nằm về phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, giáp với Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km. Lịch sử khai phá vùng đất Tây Ninh, người xưa đã để lại trong lòng đất nhiều di chỉ khảo cổ quý giá, đa dạng, phong phú, kéo dài trong quá trình lịch sử, từ thời tiền sử có niên đại cách ngày nay trên dưới 3.000 năm, đến các thời kỳ lịch sử thuộc văn hóa Óc eo, hậu Óc eo về sau này.

          Giữa thế kỷ XVII, Tây Ninh còn là vùng đất hoang vu rừng rậm và nhiều thú dữ. Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, hai bên đánh nhau gần nửa thế kỷ (1627- 1672), làm cho đời sống nhân dân vô cùng khốn khổ. Nhiều người phải bỏ làng quê đến các vùng rừng núi hoang vu để khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống, xa lánh mọi bất công của xã hội đương thời. Năm 1658, nhiều người Việt đã đến vùng đất Tây Ninh xưa khai hoang lập ấp. 

          Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam ổn định tình hình và thiết lập bộ máy hành chính các cấp. Nguyễn Hữu Cảnh lập đất Nông Nại thành phủ Gia Định phân làm hai huyện: Phước Long trên đất Đồng Nai, có lỵ sở là dinh Trấn Biên; Tân Bình trên đất Sài Gòn, có lỵ sở là dinh Phiên Trấn.

            Đất Tây Ninh thuở ấy thuộc hai đạo Quang Phong và Quang Hóa về huyện Phước Long. Năm 1779, hai đạo Quang Phong và Quang Hóa thuộc huyện Tân Bình.

           Theo sử liệu hiện có, các làng trên đất Tây Ninh lần lượt được hình thành từ thế kỷ thứ XIX. Năm 1809 lập làng Bình Tịnh thôn (An Tịnh ngày nay). Năm 1818 lập làng Phước Lộc thôn (nay là Gia Lộc). Năm 1844 thành lập các làng Long Giang, Long Chữ, Long Khánh, Long Thuận. Sau năm 1844 thành lập các làng Long Đình (sau này là Long Thành), Thái Đình (nay là Hiệp Ninh), Long Thới, Thái Bình, Thái Hiệp (Theo lược sử Tây Ninh). 

            Năm 1832, vua Minh Mạng tổ chức hành chính lại Gia định, từ 5 trấn chia thành 6 tỉnh và Tây Ninh thuở ấy thuộc Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An, gồm hai phủ Tân Bình và Tân An. 

            Mùa thu năm Bính Thân (1836) – đời Vua Minh Mạng thứ 17, đổi tên tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định và lập thêm phủ mới là phủ Tây Ninh, phủ Tây Ninh lúc bấy giờ gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa. Sự kiện năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836) được khá nhiều tác giả đề cập đến và trích dẫn sách Đại Nam nhất thống chí, rằng: “Phủ Tây Ninh nguyên trước là đạo Quang Phong, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) mới đặt tên phủ hiện nay, kiêm lý huyện Tân Ninh và thống hạt huyện Quang Hóa”. Như vậy, tên gọi Tây Ninh chính thức xuất hiện với tư cách là một đơn vị hành chính cấp phủ thuộc tỉnh Gia Định vào năm Minh Mạng thứ 17, 1836.

            Theo “Đại Nam thống nhất chí” (tập 8, Tr.198, 199 – NXBKHXH.H.1977): “Phủ Tây Ninh cách tỉnh thành 147 dặm. Đông, Tây cách nhau 103 dặm. Nam Bắc cách nhau 95 dặm. Phía Đông đến địa giới huyện Bình Long, phủ Tân Bình 66 dặm” phía Nam giáp 2 huyện Bình Dương và Cửu An 77 dặm, phía Bắc vượt núi Chiêng (Bà Đen) giáp đất Miên 18 dặm”.

            Năm 1858, thực dân xâm chiếm nước ta. Năm 1861 Tây Ninh bị chiếm và được sáp nhập về Sài Gòn. Thực dân Pháp đặt 2 đoàn quân sự cai trị ở Trảng Bàng và Tây Ninh. Năm 1868, hai ty hành chính được thành lập thay thế cho hai đoàn quân sự.

            Ngày 05/01/1876, Thống đốc Nam kỳ kiêm Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kỳ ra nghị định phân chia Nam kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn; mỗi khu vực hành chính lớn lại chia thành các tiểu khu hành chánh. Tỉnh Gia Định trước đây biến thành 4 tiểu khu: Gia Định, Tây Ninh, Tân An, Chợ Lớn. Từ thời điểm này, tiểu khu Tây Ninh thuộc khu vực hành chánh Sài Gòn (khu vực hành chánh Sài Gòn gồm 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên hòa, Bà Rịa và Gia Định).

            Ngày 29/12/1899 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định đổi Tiểu khu hành chánh (arrondissement) thành tỉnh (province). Kể từ ngày 01/01/1900 Tiểu khu Tây Ninh đổi thành tỉnh Tây Ninh.

            Dưới thời Pháp, tỉnh Tây Ninh được chia ra hai quận có 10 tổng, 50 làng. Trong đó quận Thái Bình có 7 tổng, 34 làng; quận Trảng Bàng có 3 tổng, 16 làng.

          Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống Pháp, chính quyền cách mạng thành lập thêm huyện Khăng Xuyên Bắc. Tháng 5/1951,Trung ương cục Miền Nam bố trí lại chiến trường Nam Bộ, lấy sông tiền làm ranh giới phân chia thành Phân liên khu miền Tây và Phân liên khu miền Đông, đồng thời quyết định sáp nhập một số tỉnh. Trong đó, Tây Ninh cùng hai huyện Đức Hòa Thành, Trung Huyện (Tỉnh Chợ Lớn) và 2 huyện Hóc Môn, Gò Vấp (tỉnh Gia Định) sáp nhập thành tỉnh Gia Định – Ninh. Sau đó Tỉnh ủy Gia Định – Ninh quyết định thành lập huyện căn cứ Dương Minh Châu, gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Định Thành và Phước Ninh.

         Trên cơ sở sáp nhập tỉnh, huyện Khăng Xuyên sáp nhập vào huyện Châu Thành. Các xã huyện Châu Thành sáp nhập thành liên xã: 3 xả Hảo Đước, Hoà Hội, Trí Bình, thành xã Đước Hòa Bình; 3 xã Long Giang, Long Chữ, Long Khánh thành xã Tam Long. Sau đó sáp nhập thêm 2 xã Ninh Điền và Khăng Xuyên Nam vào Tam Long thành xã Long Xuyên Điền; xã Phước Hội và Lộc Ninh thành xã Phước Ninh.

        Huyện Trảng Bàng sáp nhập hai xã Đông Thuận và Thuận Lợi thành xã Đôn Thuận Lợi; hai xã Phước Trạch và Hiệp Thạnh thành xã Hiệp Phước; hai xã Thạnh Đức và Cẩm Giang thành xã Thạnh Giang.

       Sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ (7-1954) lập lại hòa bình ở Đông Dương, tháng 8 – 1954 tỉnh Tây Ninh được tách từ tỉnh Gia Định – Ninh và trở lại ranh giới như hiện nay. Thị xã Tây Ninh (nay là Thành phố Tây Ninh) được thành lập trên phần đất của xã Thái Hiệp Thạnh (bao gồm phần thị tứ của 3 xã Thái Bình, Hiệp Ninh, Ninh Thạnh). Thành lập huyện Tòa Thánh (nay là huyện Hòa Thành) gồm các xã: Hiệp Ninh, Long Thành, Ninh Thạnh và Trường Hòa.

      Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, sự kiện mùa thu 1836 – đời Vua Minh Mạng thứ 17, thành lập phủ Tây Ninh. Tên Tây Ninh ra đời với một khát vọng là vùng biên giới phía Tây được an ninh mãi mãi đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, về một vùng đất địa đầu phía Tây Nam của tổ quốc.

2. Truyền thống dựng nước và giữ nước.

        Quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Tây Ninh gắn liền với quá trình đấu tranh gay go, ác liệt chống giặc ngoại xâm.

- Những ngày đầu gìn giữ biên cương của Tổ quốc, ba anh em Huỳnh Công Giản (Ông Lớn Trà Vong), Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ liên tục chống giặc ngoại xâm quấy nhiễu biên giới. Công lao của các tướng lĩnh đã đành, nhưng công lao và tinh thần yêu nước bất khuất chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương của nhân dân Tây Ninh cũng hết sức oanh liệt.

       Nhân dân Tây Ninh đã biết phát huy truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta, với tinh thần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, với hậu cần tại chổ, tự tạo các loại vũ khí đánh giặc. Điển hình như việc sử dụng ở địa phương loại dầu trong (loại dầu được rút ra từ đốt bọng các cây dầu trong rừng), nấu sôi dùng ống thụt bắn chống giặc rất hiệu quả ở thời kỳ chống giặc bằng giáo mác. Giặc cướp rất sợ loại vũ khí này. Rừng Tây Ninh cũng là căn cứ từ xưa của Nghĩa quân “xuất quỹ nhập thần” chống giặc.

       Năm 1859 giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Tháng 8/1860, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức cử vào Gia Định nhận chức Thống đốc Quân vụ Đại Thần, tổ chức xây dựng phòng tuyến Đại đồn ở Chí Hòa để ngăn giặc Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Tri Phương, nhân dân Gia Định và các thành xung quanh đã tình nguyện dốc sức xây dựng Đại đồn một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, do chủ trương “lấy chủ đợi khách” của Nguyễn Tri Phương, Đại đồn thất thủ. Sau đó trong thế thắng, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến ra các tỉnh miền Đông, chúng chiếm Trảng Bàng, Tây Ninh.

      Khi thực dân Pháp chiếm Gia Định, lãnh binh Tòng (tức Đặng Văn Tòng, con của ông Đặng Văn Trước, người có công đầu trong việc xây dựng nên làng Gia Lộc, Trảng Bàng) đã điều binh chống Pháp, khi quân Pháp tiến đánh Trảng Bàng, quân của ông kháng cự quyết liệt, nhưng binh lực ít, tuyến phòng thủ ngoài xa của ông chỉ chống giữ được một vài ngày đã bị quân Pháp phá vỡ; ông cùng nghĩa quân rút binh về An Hòa, Trảng Bàng ẩn tránh và tìm cách huy động lực lượng chống Pháp. Nhưng việc không thành ông bị bắt và đày ra đảo Guyane, sau một thời gian ông mất tại đảo này.

      Khi Tây Ninh bị quân Pháp tiến chiếm, ông Khâm Tấn Tường giữ chức vụ Tham tán Quân vụ ở phủ Tây Ninh, đã không tuân lệnh bãi binh của triều đình, ông rút về An Cơ (huyện Châu Thành) chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí, lương thực bám lấy địa hình thuận lợi của rừng, tổ chức chống phá. Trong nghĩa quân của ông Khâm Tấn Tường còn có nhiều lãnh binh chống thực dân Pháp vô cùng oanh liệt như Lạnh binh Két, nhân dân Trảng Bàng và Bến Cầu truyền tụng nhau rất nhiều về Lãnh binh Két, nhân dân vùng Long Giang còn gọi ông là thần Đầu Đỏ. Với cách đánh lợi dụng rừng rậm và đêm tối trời để tấn công giặc, quân của ông đã gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề về vũ khí và tinh thần. Tiếp theo Lãnh binh Tòng, Lãnh binh Két còn có nghĩa quân của Trương Quyền, các tổ chức yêu nước khác Thiên Địa hội do ông Hồ Văn Chư đứng đầu ở An Tịnh, Trảng Bàng, ông Nguyễn Văn Phát ở An Hòa và nhiều vị khách ở Gia Bình, Vàm Trảng…

     Tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của các Quan lại địa phương đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong toàn tỉnh, nhưng không làm xoay chuyển được tình thế, bởi so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, một bên là nhân dân yêu nước đã bị Triều Nguyễn giao nộp 3 tỉnh miền Đông cho giặc Pháp từ năm 1862, lại phải đương đầu với quân viễn chinh của thực dân Pháp. Đất Tây Ninh dẫu mất vào tay bọn xâm lược Pháp, nhưng truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Tây Ninh được tôi luyện, phát huy mạnh mẽ khi có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

     - Hòa chung với lịch sử vẽ vang của dân tộc, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã lãnh đạo quân và dân Tây Ninh vượt qua gian khổ, hy sinh, lập nên những chiến công vang dội, góp phần xứng đáng vào cách mạng của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhân dân Tây Ninh đã đứng lên khởi nghĩa làm Cách mạng Tháng tám thành công, giành chính quyền vào đêm 25/8/1945. Phát huy khí thế tiến công cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Tây Ninh liên tiếp lập nên nhiều chiến công.

     Ngày 26/01/1960, dưới sự chỉ đạo của Ban quân sự Miền và Tỉnh ủy Tây Ninh, quân dân Tây Ninh cùng các lực lượng vũ trang Miền tập kích thành Tua Hai, Chiến thắng Tua Hai đã trở thành “phát pháo lệnh” mở đầu cao trào vũ trang đồng khởi trên toàn miền Nam. Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã chuyển lên thành một cuộc cách mạng vũ trang chính trị trên quy mô tại miền Nam, từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có cơ quan lãnh đạo phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ III, ngày 23/1/1961, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ III (khóa III) quyết định thành lập Trung ương cục miền Nam. Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của BCH TW Đảng, bao gồm một số ủy viên Trung ương được Trung ương Đảng cử ra và ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam.

      Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Cục miền Nam là trung tâm đầu não, nơi triển khai, cụ thể hóa nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Bác Hồ để thực hiện trên chiến trường toàn miền Nam. Tây Ninh được vinh dự chọn làm căn cứ Trung ương cục miền Nam. Chiến công nối tiếp chiến công, quân dân Tây Ninh cùng với các lực lượng đứng chân vùng căn cứ địa cách mạng chiến đấu anh dũng, đánh bại các cuộc hành quân quy mô lớn của địch như các cuộc càn Gian – Xơn City, Attenbơrơ,…

      Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân Tây Ninh đã chủ động đứng lên giải phóng tỉnh. Đất nước thống nhất, chưa tận hưởng được hòa bình, thống nhất được bao lâu, quân và dân Tây Ninh vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia hồi sinh sau họa diệt chủng.

      Có thể nói trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, quân dân Tây Ninh luôn phát huy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đoàn kết, anh dũng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Tây Ninh xứng đáng với truyền thống Trung dũng kiên cường, quê hương căn cứ địa cách mạng.

Trích nguồn “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh”

Các Tin Tức Khác